Mắc dị tật bẩm sinh, chàng trai 9x là Thạc sĩ hóa học, tốt nghiệp loại giỏi ĐH Bách Khoa

Nga Quỳnh
Nga Quỳnh
Bài viết: 146 242
Với Chinh, nghiên cứu khoa học là một "khoảng trời tươi sáng" để anh quên hết mọi muộn phiền và khó khăn trong cuộc sống khi mắc dị tật bẩm sinh với khuôn mặt "lạ thường".
Không muốn bị gọi là "người khuyết tật vượt khó" bởi chỉ muốn được làm người bình thường


Sinh ra đã mắc hội chứng Treacher Collins nên Phạm Đức Chinh (sinh năm 1993, quê ở Thái Bình) không có vành tai, ống tai, hở hàm ếch, mắt chảy xệ, không có gò má, xương hàm phát triển không bình thường. Cũng vì cấu tạo tai khác thường dẫn đến thính giác của Chinh bị suy giảm nghiêm trọng, chỉ có thể nghe được khoảng 30%. Ngoài ra, khi giao tiếp, anh nói không rõ và thậm chí có một số phụ âm không phát âm được.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng Chinh luôn khát khao được đến trường, được học tập như bao đứa trẻ bình thường khác. Năm lên 7 tuổi, Chinh xin bố mẹ đi học đơn giản chỉ vì được gọi bạn cắp sách đến trường mỗi buổi sáng. Trong quá trình học tập, anh đã khắc phục hạn chế về khả năng nghe, nói của mình bằng cách nghe giảng và đoán một số nội dung liên quan đến bài học, nhìn vở bạn bên cạnh để ghi lại bài học, đọc sách rồi tự làm đề cương ở nhà.

Ngoài ra, khi giao tiếp, Chinh hay nhìn khẩu hình của người đối diện để đoán ý muốn nói hay hỏi lại những người xung quanh và nhờ họ nói ở mức âm lượng cao hơn. Những hạn chế này luôn được chàng trai 9x "xem nhẹ" và thích nghi khá nhanh với chứng dị tật bẩm sinh. Thậm chí, khi đối diện với mọi người, chàng trai Thái Bình không muốn bị gọi là "người khuyết tật vượt khó" bởi anh chỉ muốn được làm người bình thường.

Chinh1

Phạm Đức Chinh mắc hội chứng Treacher Collins. Ảnh: Đ.Huy

Chàng trai không tai từ GPA 2.21 đến Thạc sĩ hóa học
Suốt những năm học cấp 1, Chinh chưa cảm thấy hoàn toàn thích thú với bộ môn học nào mà luôn giữ điểm số các môn ở mức trung bình khá. Tình cờ một lần, Chinh quan sát thấy sự đổi màu của hoa rau muống tím khi nó rơi vào lò vôi mới tôi. "Ngay sau đó, tôi được chứng kiến anh họ làm thí nghiệm phản ứng Fe+ CuSO4= FeSO4+Cu rồi giải thích, và cung cấp cho tôi một số tài liệu để đọc làm quen với môn Hóa", Chinh nhớ lại sự kiện khiến anh bén duyên với hóa học.

Kết quả học tập của Chinh nổi bật nhất từ năm học lớp 8 với thế mạnh về các môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa. Lên cấp 3, anh rục rịch tìm hiểu về ngành học và trường học trên các trang thông tin mạng xã hộ, liền cảm thấy ấn tượng với Đại học Bách Khoa từ những ngày đầu lớp 10. Vì vậy, Chinh vạch ra định hướng rõ ràng và mục tiêu ôn luyện bài bản. Ngoài những giờ học trên lớp, anh học thêm những lớp học do nhà trường tổ chức.

"Bên cạnh đó, tôi làm lại những tập đề cũ của anh chị học thêm tại trung tâm luyện thi (CĐSP Thái Bình), đồng thời tôi đã tìm kiếm những tài liệu trắc nghiệm liên quan đến hóa học, các đề thi thử của một số trường để luyện thi", Chinh chia sẻ.

Những nỗ lực đầu đời của Chinh được đền đáp bằng việc anh đoạt giải Ba môn Hóa học cấp tỉnh và sau đó là thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 25,5 điểm.

Năm nhất đại học, Chinh chưa hòa nhập được một cách sâu sắc với bạn bè mới mà bạn thân từ hồi mẫu giáo lên đại học lại ở trọ xa, khác lớp. Không có bạn thân sát cánh, Chinh thừa nhận thời gian ấy anh bị ảo tưởng quá mức về điểm thi đại học nên đi học lấy hình thức, "phông bạt", không có kế hoạch cụ thể, điểm GPA chỉ đạt 2.21.

"Tôi nhớ như in năm học đầu tiên, hàng ngày lên thư viện ngồi hoặc ra ghế đá mở quyển sách ra đọc vài trang, làm vài bài đơn giản rồi về. Về nhà học cũng được một lúc rồi lại chơi Facebook, không chú trọng đến việc ôn luyện nhuần nhuyễn hoặc tổng hợp kiến thức nền.

Lên năm 2, năm 3, tôi làm quen được với nhóm bạn mới và kết nối lại được với các bạn cũ. Nhóm bạn đã giúp tôi lấy lại được tinh thần, và cùng nhau thiết lập đề cương, bổ sung kiến thức, vấn đáp và học cùng nhau nên dần cải thiện được kết quả học tập", Đức Chinh nhớ lại.

Chinh2

Thạc sĩ Phạm Đưc Chinh làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đ.Huy

Năm 2017, anh tốt nghiệp loại Giỏi và nằm trong top 20 của ĐH Bách khoa Hà Nội. Ngay sau đó, Chinh quyết định chọn về làm việc tại Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên của Đại học Bách khoa Hà Nội và học lên Thạc sĩ.

Hiện tại, anh đã tốt nghiệp Thạc sĩ và công bố một số bài báo trên tạp chí quốc tế, trong nước, các hội thảo chuyên ngành. Công việc chính của Chinh gắn liền với nghiên cứu các quá trình- thiết bị trong công nghệ hóa học với trọng tâm là quá trình oxi hóa tiên tiến để xử lý nước thải; nghiên cứu công nghệ cô đặc nước trái cây ở nhiệt độ thấp và áp suất thường (cùng nhóm PGS.TS. Nguyễn Minh Tân).

Với vai trò là một trong những Thạc sĩ nghiên cứu về công nghệ hóa học, Nguyễn Đức Chinh không gặp áp lực trước sự kỳ vọng của xã hội về những phát minh hay nghiên cứu có ích cho thực tiễn. Bởi anh cho rằng, anh sẽ không chạy theo thành tích là phải xuất bản, công bố bao nhiêu công trình trong một năm, hay chạy theo số lượng mà quên mất thực tiễn đang như thế nào.

"Tôi cũng tự nhận thức mình giống như một "mẩu gạch" để xây một công trình cho khoa học - kỹ thuật" - Nguyễn Đức Chinh nói.
 
Thẻ
dị tật đh bách khoa phạm đức chinh thạc sĩ hóa học
Nga Quỳnh
Nga Quỳnh
Đã đăng ký
Bài viết
146
Có thể bạn quan tâm
Bên trên