Nữ sinh Học viện Báo chí: Hãy tặng cho mình một tuổi trẻ đáng giá

Nhi Nguyễn
Nhi Nguyễn
Bài viết: 200 443
Phạm Ngọc Hà (sinh năm 2001) quê ở Nghệ An, đang là sinh viên năm 3, Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cô nàng gen Z không ngại thử sức mình với nhiều môi trường khác nhau.

Phm ngc h 1

Ngọc Hà đang là sinh viên năm 3 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ngọc Hà luôn chắt chiu những gì bản thân học được và có được để tự lập từ khá sớm. Nữ sinh 2K1 chia sẻ: “Từ khi lên đại học, mình đã luôn có mong muốn được đi làm để trải nghiệm và tự lập. Mình học Báo chí, đó là lựa chọn dựa trên những tố chất từ nhỏ và niềm yêu thích của mình. Và nó cũng luôn là kim chỉ nam khi tìm kiếm các công việc làm thêm cho bản thân.”

Phm ngc h 2

Cô nàng có niềm yêu thích với báo chí và truyền thông từ khi còn nhỏ.

Quan điểm của cô nàng là luôn rõ ràng về việc làm thêm trong độ tuổi sinh viên. Nhiều bạn trẻ hiện nay luôn tìm kiếm công việc lương cao trong khi không nhìn thấy sự hạn hẹp về kiến thức và kỹ năng. “Trước giờ bản thân không đặt nặng vấn đề kinh tế vì vậy mình không apply vào các công việc trái ngành với mục đích kiếm tiền. Thay vào đó, mình lựa chọn những công việc liên quan đến ngành mình học và phục vụ được cho định hướng tương lai của mình. Nhiều bạn có thể bảo mình là “đi làm vì đam mê”. Cũng đúng, nhưng có một suy nghĩ từ khi 18 tuổi đến nay là với một đứa trẻ còn non tuổi đời và tuổi nghề thì tất cả những trải nghiệm dù ở bất kỳ vị trí công việc nào đều đã là phần lương cho mình. Từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đến bài học về nhân sinh quan hay đối nhân xử thế,… mình tiếp nhận được những điều đó còn giá trị hơn rất nhiều lần so với đồng tiền”, Ngọc Hà chia sẻ.

Phm ngc h 3

Với Hà trải nghiệm ở mỗi công việc, mỗi vị trí khác nhau chính là phần lương dành cho bản thân.

Niềm yêu thích với ngành truyền hình của cô nữ sinh vô tình xuất phát từ những “bữa cơm thời sự”. Và đến nay, Ngọc Hà đang trên hành trình đeo đuổi để tiệm cận dần với ước mơ trở thành một biên tập viên của Đài truyền hình Quốc gia.

Trước khi đến làm việc ở một cơ quan báo chí chuyên nghiệp, cô nàng gen Z đã có 1 năm tham gia CLB Sóng Trẻ News của Khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây thực sự là một bước đệm vững chắc và đỡ đầu Hà đi vào ngành báo.

"Lý do mình tham gia vào là mình nghĩ để nói được hay, nói được tốt thì trước hết mình phải viết tốt đã. Khi mình viết, mình có thời gian suy nghĩ, có thời gian sắp xếp và trau chuốt ý biểu đạt. Viết nhiều, tư duy của mình sẽ nhảy số nhanh hơn, giúp mình lưu loát hơn trong khi truyền đạt một vấn đề gì đó với nhiều người. Mình chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi nhưng sau một thời gian va chạm với nghề, mình nhận ra là khó có một biên tập viên giỏi nào mà không đi lên từ phóng viên”, Ngọc Hà bộc bạch.

Phm ngc h 4

Cô nàng không ngại khó khăn khi phải tiếp cận nhiều môi trường để có những sản phẩm truyền thông hoàn hảo nhất.

Ngọc Hà đã từng cộng tác ở Truyền hình Dân Việt/Báo Nông thôn ngày nay, nơi đúng với chuyên ngành mà cô nàng đang theo học. “Thời gian ban đầu mình rất lo lắng và cảm thấy sợ vì mảng nông nghiệp đối với mình như một cuốn sách trắng. Thời điểm mình cộng tác ở đây cũng trùng vào thời điểm dịch COVID-19 đang lan rộng trên cả nước nên mình cũng được trải nghiệm nhiều hình thức tác nghiệp. Có khi là xông vào tâm dịch ở bệnh viện K để làm tin trong đợt bỏ phiếu bầu cử hay phỏng vấn các nhân vật theo hình thức trực tuyến. Sự linh động trong quá trình làm nghề cũng được tăng lên đáng kể”, nữ sinh 2K1 nói.

Khi chúng ta còn trẻ, còn khỏe, còn nhiệt huyết và thời gian thì hãy cứ trải nghiệm cho bằng hết những gì mình muốn. Ngọc Hà cũng vậy, sau khi cộng tác ở các cơ quan báo chí một thời gian, cô nàng có mong muốn được làm việc và học hỏi ở môi trường Đài truyền hình nên đã mạnh dạn nộp CV vào Đài truyền hình Quốc hội Việt Nam.

“Từ một cô bé đang làm việc với kiểu truyền hình truyền thống ở một lĩnh vực rất an toàn là nông nghiệp chuyển sang bộ phận số hóa truyền hình, chạy đua tốc độ thời sự cũng như thường xuyên tiếp xúc với các thông tin chính trị, pháp luật,… - vốn là các tin đòi hỏi sự chính xác cao có phần khiến mình hơi choáng ngợp vì vừa phải nhanh nhẹn, cẩn thận và thật sự bản lĩnh trong ngòi bút. Nhưng mình tin rằng áp lực sẽ tạo kim cương.”

Phm ngc h 5

Áp lực sẽ tạo ra kim cương.

Ngoài công việc chính ở các cơ quan báo chí, cô nàng cũng thường xuyên nhận các công việc về truyền thông hay marketing. “Là một người trẻ, mình xác định công việc yêu thích nhất sẽ là công việc gắn bó lâu dài nhất nhưng sẽ không phải là công việc bó buộc mình lại”, Hà nói.

“Đa-zi-năng” là tính từ miêu tả bản thân mà cô nàng muốn hướng đến. Hà luôn rèn luyện các kỹ năng như MC, sáng tạo nội dung, viết content,… Vì báo chí và truyền thông có mối liên hệ với nhau nên 2 mảng công việc này sẽ bổ trợ cho nhau và giúp mỗi người ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.

Ngoài đam mê công việc, Ngọc Hà yêu thích các công việc tình nguyện, thiện nguyện và hoạt động xã hội. Thời điểm năm nhất đại học, song song với việc tham gia câu lạc bộ nghiệp vụ, cô nàng cũng là một thành viên của Đội máu Báo chí và Hội máu Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà cũng góp bút tham gia tuyên truyền các hoạt động xã hội như bảo vệ môi trường do Viện Friedrich tại Việt Nam tổ chức, bảo vệ trẻ em tự kỷ với đơn vị đứng đầu là A365 tổ chức hay hỗ trợ những người thuê trọ mùa dịch COVID-19 của hệ thống phòng trọ VIFAHO. Với Hà, tài năng có thể là do trời phú nhưng tử tế và tích cực lại là sự lựa chọn trong cách sống của mỗi người.

Phm ngc h 6


Trong tương lai, Hà mong muốn có thể trở thành một nhà báo, BTV Truyền hình. Một tuổi trẻ đáng giá, không có gì phải hối tiếc khi được làm những công việc yêu thích, theo đuổi đam mê, và được trải nghiệm ở nhiều môi trường. Vậy nên, hãy “tặng” cho mỗi chúng ta một tuổi trẻ đáng giá.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Thẻ
biên tập viên học viện báo chí và tuyên truyền phóng viên tự lập
Nhi Nguyễn
Nhi Nguyễn
Đã đăng ký
Bài viết
200
Có thể bạn quan tâm
Bên trên