Vì sao giới trẻ gọi tháng 7 âm lịch là "tháng đổ thừa" lớn nhất trong năm?

Nhi Nguyễn
Nhi Nguyễn
Bài viết: 200 224.000
"Tuy 90% là mình không tin vào việc tháng 7 cô hồn đem lại vận xui nhưng đâu đó vẫn có 10% tin vào điều đó ở trong mình".

Tháng 7 âm lịch hay còn được gọi là tháng cô hồn được đã trở thành một khái niệm quen thuộc trong đời sống văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Tuy nhiên, trong cộng động giới trẻ ngày nay, tháng cô hồn còn mang một cái tên khiến nhiều người tò mò - Tháng đổ thừa.

C hn 1

Ý kiến cho rằng nên làm việc trọng đại vào tháng cô hồn để… đổ thừa cho thế lực tâm linh (Ảnh: Chụp màn hình)

C hn 2

Tháng cô hồn được đặt tên là "Tháng đổ thừa" (Ảnh: Chụp màn hình)

Chỉ đơn giản là cách nói vui vẻ


Nguyễn Minh Hồng (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng đây chỉ đơn giản là một trào lưu vui đùa của giới trẻ: "Cách gọi tháng cô hồn là tháng đổ thừa chỉ đơn giản là một trò đùa với nhau thôi, chúng ta không nên đem nó ra để bàn luận một cách nghiêm túc. Nhiều người đưa ra những lí giải hài hước liên hệ tới vấn đề tâm linh cho những chuyện xui rủi mình mắc phải nên được mọi người ưa chuộng mà thôi".

Nói rõ hơn về quan điểm này, Minh Hồng chia sẻ thêm: "Trò đùa này xuất phát từ việc nhiều người lấy tháng cô hồn ra để biện minh cho những sự xui xẻo của mình, một phần nữa còn là vì "tâm lý đám đông", nhiều người đổ tội cho tháng cô hồn và khiến sự đổ tội ấy được hợp lí hóa lên".

Đồng quan điểm với Hồng, Nguyễn Việt Thành (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho rằng đây chỉ là một cách nói hóm hỉnh: "Dưới cương vị một người không tin vào vận xui là do tháng cô hồn đem lại, mình cho rằng đây chỉ là một cách nói hóm hỉnh giữa các bạn trẻ với nhau. Hơn nữa, bình thường mình cũng đã xui xẻo rồi nên mình cho rằng việc xui rủi xảy ra không liên quan tới mốc thời gian nào cả".

7 phần đùa nhưng vẫn có 3 phần thật

Bùi Thanh Hà (20 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng đây chỉ là một cách nói vui cho cảm xúc bớt nặng nề nhưng cá nhân bạn vẫn tin vào việc tháng 7 âm lịch đem đến cho bạn nhiều sự xui rủi hơn bình thường.

"Đúng mùng 1 tháng 7 âm thì mình gặp rất nhiều chuyện không may mắn. Đơn cử một trong số đấy là việc mình bị mắc cúm A nhưng may mắn là chỉ bị nhẹ. Tuy nhiên, việc bị ốm thế này khiến mình phải hủy hẹn với một bạn trai mình đã quen từ lâu trên Face Dating (Một chức năng hẹn hò trực tuyến trên Facebook - PV). Bên cạnh đó, gia đình mình cũng xảy ra một số chuyện lục đục nữa nên khiến mình càng tin vào việc này".

Là một người thực tế và không quá tin vào chuyện tâm linh nhưng Phạm Thu Hằng (20 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng một phần tin vào việc tháng cô hồn đem lại cho bạn những điều không may mắn: "Tuy 90% là mình không tin vào việc tháng cô hồn đem lại vận xui nhưng đâu đó vẫn có 10% tin vào điều đó ở trong mình. 10% này được tạo thành từ việc nhiều người đề cập đến nên mình "gió chiều nào theo ấy" theo họ, một phần còn từ việc có nhiều chuyện trùng hợp xảy ra đúng vào tháng cô hồn nên khiến mình cũng tin phần nào".

Tuy không tin nhưng vẫn đổ thừa

Nói về 90% không tin vào chuyện xui rủi khởi nguồn từ tháng 7 âm lịch, Thu Hằng chia sẻ: "Mình biết không phải do tháng cô hồn gây nên những sự bất trắc cho mình nhưng nếu chúng ta vin vào một cái cớ nào đó để đổ lỗi thì tâm hồn cũng phần nào nhẹ nhõm và đỡ bất an hơn. Mình nghĩ đây là một tâm lý chung của mọi người, đặc biệt là những người làm ăn buôn bán hoặc người lớn tuổi".

Vũ Trà My (20 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ tháng nào cũng có chuyện xui xẻo, chỉ vì tháng cô hồn luôn đi kèm với nhiều câu chuyện huyền bí nên mới dễ bị đổ thừa hơn: "Tháng nào chúng ta cũng có những lúc gặp những điều không may nhưng vì ảnh hưởng của những bài viết, câu chuyện về ma quỷ xoay quanh tháng này nên mọi người lại cho rằng là do tháng cô hồn".
 
Thẻ
cô hồn đổ thừa giới trẻ tháng 7
Nhi Nguyễn
Nhi Nguyễn
Đã đăng ký
Bài viết
200
Có thể bạn quan tâm
Bên trên